Kinh nghiệm mở quán cafe

Kinh nghiệm mở quán cafe

Bạn đang khát khao thực hiện kinh doanh quán cà phê. Một ý tưởng đang bùng cháy và bạn muốn nó thành hiện thực. Kinh doanh đột phá và có tính ứng dụng cao sẽ giúp bạn nhanh chóng thu hồi vốn và đạt lợi nhuận nhất. Nói thì đơn giản nhưng để kinh doanh thành công đặc biệt về lĩnh vực cafe thì không đơn giản chút nào. Bạn cần tìm hiểu thật kỹ về nó, trau dồi kinh nghiệm, lên các ý tưởng, để làm cho quán cafe của bạn phong phú hơn, dễ gần với khách hàng hơn. Trong bài viết này, Shop Cafe Online xin được chia sẻ với các bạn kinh nghiệm mở quán cafe thành công nhé!

Bước 1: Ý tưởng và mục tiêu kinh doanh

Ý tưởng: Bạn không thể thực hiện được điều gì nếu bạn không có ý tưởng và niềm đam mê. Có đam mê, bạn sẽ dễ dàng suy nghĩ ra những ý tưởng riêng. Niềm đam mê đó sẽ tạo ra phong cách riêng cho quán cà phê của bạn. Và điểm nhấn khác biệt của mỗi quán cà phê là điểm mạnh và giúp cho quán cà phê đó khẳng định tên tuổi trên thị trường.

Mục tiêu kinh doanh: Bạn phải phác thảo chi tiết mục tiêu kinh doanh quán cafe của bạn một con số chính xác, đó là lợi nhuận đạt được trong 3 tháng đầu, 1 năm, 2 năm, 3 năm… Dù biết chắc chắn con số có thể sẽ không giống như bạn đặt ra, nhưng đặt mục tiêu giúp bạn đứng vững trước những khó khăn, và những phát sinh bất ngờ.

Bước 2: Xác định vốn

Khi có ý định mở quán cafe bạn phải xác định vốn của bạn chính xác là bao nhiêu (bao gồm vốn cố định và vốn lưu động)? 100 triệu, 200, 300 triệu … Nguồn vốn huy động từ đâu? Từ bản thân, cổ đông với bạn bè, gia đình hoặc người thân khác. Sau khi đã xác định con số vốn chính xác, thì đến giai đoạn xác định vốn đầu tư cơ bản vào quán: gồm 2 phần.

– Chi phí cơ sở: Chi phí cọc mặt bằng, chi phi thiết kế và thi công quán, chi phí các vật dụng, chi phí nhân công…

– Chi phí duy trì: Chi phí này rất quan trọng, vì những tháng đầu mới khai trương cần PR cho quán, thu hút khách hàng, chi phí các hóa đơn hàng tháng như: chi phí mặt bằng, điện, nước, internet, điện thoại, nhân viên, thức uống, lương thực, thực phẩm, quà tặng khuyến mãi.

Ví dụ bạn có 200 triệu, bạn nên đầu tư 100 triệu vào chi phí cơ sở, còn 100 triệu vào chi phí duy trì, tuyệt đối đừng làm hao hụt chi phí duy trì, nếu không bạn sẽ khó khăn rất nhiều trong thời gian đầu.

Bước 3: Xác định đối tượng khách hàng muốn hướng đến

Xác định đối tượng khách hàng là một trong những yếu tố duy trì hoạt động lâu dài của quán và giữ chân khách hàng quen của quán. Chẳng hạn: đối tượng là sinh viên, giới viên chức, người kinh doanh, tuổi teen, trung niên…

Bước 4: Xác định phong cách quán cafe

Phong cách quán cafe là yếu tố quan trọng mang đến thành công của quán. Chẳng hạn bạn muốn quán cafe của mình mang phong cách cafe sách, cafe âm nhạc hay cafe dành cho teen…Vì vậy bạn phải bàn bạc và thỏa thuận mong muốn của minh với kiến trúc sư thiết kế và thi công ngay từ đầu để thiết kế và hoạt động hiệu quả hơn.

Nếu chuẩn bị đi tìm địa điểm để mở quán, bạn không nên nghĩ đến 2 loại quán là cà phê vườn và cà phê thưởng thức. Cà phê vườn tuy vốn ban đầu không lớn nhưng nếu không phải là tài sản sẵn có thì bạn hãy nghĩ đến số tiền khổng lồ khi đi thuê mặt bằng. Cà phê thưởng thức chỉ dành cho người kinh doanh cà phê chuyên biệt. Loại quán này cần thời gian dài để kiếm một thương hiệu, hơn nữa vốn ban đầu lên tới cả trăm triệu để học được kỹ thuật pha chế cà phê rang xay, mua máy xay, rang, dụng cụ pha chế, ly tách chuyên dụng…

Bước 5: Lựa chọn mặt bằng

Mặt bằng luôn là yếu tố tiên quyết cho việc thành công của quán café. Khi có ý tưởng và phong cách của quán, các bạn nên chú ý tìm địa điểm đặt quán sao cho phù hợp. Ví dụ: Café dành cho công sở thì địa điểm đặt phải ở gần các cơ quan, công ty và các trung tâm nơi mà các nhân viên văn phòng thường đi qua hay là nơi dễ dàng để gặp gỡ khách hàng. Nếu bạn có nhà để mở quán thì yên tâm, nhưng nếu bạn phải đi thuê thì cần chú ý là thời gian thuê phải dài để có thời gian thu hút khách và kiếm đủ tiền để hoàn vốn đầu tư.

Lựa chọn mặt bằng để kinh doanh không phải là vấn đề một sớm một chiều mà nó đòi hỏi một quá trình tìm kiếm lâu dài, và nắm bắt cơ hội nhanh chóng, đàm phán thỏa thuận với chủ nhà, và đăng ký giấy phép kinh doanh. Đặc biệt là chỗ gửi xe, vấn đề này thường rất khó khăn trong trung tâm thành phố, hoặc trong hẻm.

Bước 6: Thiết kế và thi công quán cafe

Sau khi đã có được mặt bằng, bạn nên dành nhiều thời gian để đưa ra cách thiết kế nội thất quán sao cho phù hợp với diện tích và phong cách của quán. Bạn cần tìm công ty thiết kế nội thất và nói cho họ biết ý tưởng và phong cách, việc còn lại là của họ, với chuyên môn kỹ thuật họ sẽ nhanh chóng đưa cho bạn mẫu thiết kế phù hợp.

Bên cạnh đó, để làm nổi bật phong cách cũng như nội thất của bạn, tạo một không gian đẹp, bạn nên chú ý trang trí quán sao cho phù hợp. Bạn có thể dùng các bức tranh sơn dầu hay vẽ tranh tường để trang trí sao cho phù hợp với ý thích và phong cách của bạn.

Bước 7: Vật dụng cần thiết và nhân viên

Vật dụng cần thiết: Trong thời gian thi công, bạn nên xác định các vật dụng cần thiết, lên một danh sách những gì nên mua và phải mua, sau đó tìm đơn vị cung cấp giá mềm và lâu dài cho bạn.

Danh mục cần thiết khi mở quán café nhỏ:

1. Nhà cung cấp thực phẩm, nguyên liệu cafe nguyên chất để pha chế

2. Tủ lạnh

3. Lò vi sóng

4. Bếp

5. Nồi nấu

6. Dụng cụ pha chế đồ

7. Ly/ cốc

8. Máy sinh tố

9. Máy ép

10. Bàn ghế

11. Quầy bar

12. Máy tính tiền

13. Đồ trang trí

Nhân viên: Bạn cần xác định số lượng phục vụ chính xác nhân viên như sau :

– Pha chế: Bạn cần có người pha chế đồ uống chuyên nghiệp và đẹp mắt vì khi khách cảm thấy hài lòng, và hợp túi tiền, khách sẽ thường xuyên quay lại hơn.

– Phục vụ: Tùy diện tích lớn nhỏ khác nhau mà bạn sẽ chọn cho mình các em sinh viên làm bán thời gian, hoặc có thề tuyển dụng trên các trang tuyển dụng. Nếu chăm chỉ, phục vụ tốt sẽ được khen thưởng, vì việc phục vụ rất quan trọng đến việc kinh doanh lâu dài của quán, thái độ nhân viên phục vụ mất thiện cảm, ít tươi cười với khách sẽ khiến người khách ấy không quay lại vào lần sau.

– Lễ tân: Có thể lựa chọn những bạn có ngoại hình ưa nhìn vì vẻ đẹp thường được đánh giá đầu tiên.

-Bảo vệ: Nên tuyển người tin cậy, có thể trông coi quán, và giữ xe tốt, có thái độ tôn trọng và lịch sự với khách hàng.

– Quản lý: Người quản lý là người thay bạn quán xuyến toàn bộ quán trong việc điều hành quán, quản lý nhân viên, và giải quyết các công việc có liên quan đến nội bộ… cho nên cần phải tìm người quản lý đáng tin cậy.

– Nhân viên tạp vụ: Siêng năng, có trách nhiệm, đúng giờ.

Bước 8: Tiếp thị cho quán cafe

Làm hệ thống nhận diện thương hiệu cho quán, bao gồm: menu, name card, logo, tên quán, website… Đồng thời quảng cáo trên Facebook và mạng xã hội khác. Có nhiều chương trình chăm sóc khách hàng quen thuộc: khuyến mại đồ uống, thẻ ưu đãi với khách hàng thường xuyên ghé quán bạn…

Tất cả các bước trên sẽ giúp bạn một sự khởi đầu suông sẻ. Ý tưởng mạnh mẽ và các bước thực hiện chặt chẽ sẽ thu hút nhiều khách hàng đến với bạn. Khi lợi nhuận tăng lên bạn sẽ thấy việc kinh doanh của mình thú vị biết nhường nào.

Một số điểm cần chú ý khi mở quán Cafe

1. Bản thân phải am hiểu cà phê

Đầu tiên, hãy tự rèn luyện bản thân mình với các công việc pha cà phê, trà hoặc bất kỳ đồ uống nào quán bạn có. Hãy hiểu biết những gì bạn đang bán, học hỏi tất cả về cà phê, từ đặc tính của cây, các giống cà phê, tên các trang trại, kiểu cốc và cách pha thường dùng. Sau đó, hãy chia sẻ kiến thức và niềm đam mê của mình với nhân viên. Vì nếu họ không có đam mê như bạn, họ sẽ không thể dốc hết sức làm việc.

3. Xem xét địa điểm mở quán cẩn thận

Bạn cần phải dò xét thật kỹ căn nhà muốn mua hoặc thuê để mở quán. Hãy tìm một chỗ đỗ xe quanh đó, đếm lượng xe cộ hoặc người đi ngang qua mỗi giờ. Bạn nên thực hiện vào nhiều thời điểm như 2h sáng, 8h tối hoặc 6h30 sáng trong nhiều ngày để tính lượng khách hàng tiềm năng. Hãy tự hỏi liệu những người lái xe có muốn dừng lại mua một cốc trước khi đi làm hay không? Liệu có biển báo dừng hay cột đèn giao thông gần chỗ bạn? Quanh khu vực của bạn có nhiều học sinh hay không? Hoặc nơi này liệu có đủ chỗ đỗ xe?

Bên cạnh đó, hãy nghiên cứu các hàng quán xung quanh nữa. Nếu gần đó từng có quán cà phê phải đóng cửa, bạn cũng nên nghiên cứu lý do họ thất bại.

4. Lên danh sách những người trợ giúp

Đầu tiên, bạn cần một luật sư giàu kinh nghiệm bất động sản để tư vấn các hợp đồng mua hoặc thuê mặt bằng. Tiếp đó, hãy tìm một kế toán để quản lý việc tài chính và một chuyên viên bảo hiểm luôn sẵn sàng trợ giúp mỗi khi bạn có chuyện. Có những người này bên cạnh, bạn có thể yên tâm ngủ ngon hơn mỗi tối.

5. Định giá hợp lý

Giá cả là một việc rất phức tạp. Hãy tính toán bạn phải bán bao nhiêu cốc cà phê mỗi ngày mới hòa vốn, và bao nhiêu thì bạn mới có lãi? Chi phí thay thế sản phẩm là bao nhiêu? Chi phí giao hàng là bao nhiêu? Có một chân lý định giá thế này: Nếu tất cả mọi người đều phàn nàn về giá cả, tức là nó quá cao. Nếu chẳng ai phàn nàn, tức là quả thấp. Còn khi chỉ có vài người kêu ca, tức là bạn đã định giá hoàn hảo.

Nhưng hãy nhớ, định giá là quá trình liên tục, chứ không chỉ xảy ra một lần. Nếu chi phí đầu vào tăng, doanh thu cũng phải tăng theo. Hãy thử tăng giá nhẹ trong vài tháng và quan sát xem khách hàng có nhận ra hay không. Nếu sản phẩm và dịch vụ của bạn quá xuất sắc, họ sẽ chẳng quan tâm bạn vừa nâng giá đâu. Nếu yêu quý bạn, họ sẽ muốn giúp bạn thành công.

Một cách định giá khác bạn nên nhớ là theo nhận thức của khách hàng. Nếu bán loại cà phê Kona (Hawaii) đắt đỏ có giá gần 100 USD mỗi kg, bạn sẽ phải cung cấp đầy đủ thông tin để khách hàng công nhận giá trị của chúng. Đó là ảnh nông dân trong trang trại đang hái cà phê, thông tin bạn trích lợi nhuận để làm từ thiện, kênh giao tiếp với khách hàng thông qua mạng xã hội và email quảng cáo về loại cà phê này. Nếu đã có tất cả, bạn có thể yên tâm bán chúng với giá gần 100 USD mỗi kg.

6. Thuê các nhân viên có nhiệt huyết

Đừng thuê những người chỉ biết bán hàng, hãy tìm các nhân viên luôn mỉm cười và thực sự đam mê sản phẩm, dịch vụ của bạn. Khi mở cửa hàng, hãy làm mẫu để họ noi theo. Hãy chăm sóc nhân viên thật tốt, trả lương xứng đáng và tìm những người luôn lạc quan với ước mơ lớn.

7. Nắm rõ thông tin đối thủ

Ngày nay, có rất nhiều người cũng mở quán cà phê. Hãy nghĩ đến chiến lược Đại dương xanh và tìm cách làm khác mình so với đối thủ. Hãy nghiên cứu các quán khác trong phạm vi vài chục km và để ý đến các quán mới mở. Hàng ngày, hãy tự hỏi mình “Còn ai đang kinh doanh loại này nữa nhỉ?”. Nếu câu trả lời là “Không”, bạn đã đi đúng hướng.

8. Luôn thể hiện sự vui vẻ, lạc quan

Có một câu nói nổi tiếng rằng: “Bạn có thể thay đổi cả thế giới bằng một nụ cười”. Nếu luôn tỏ ra vui vẻ vì bạn yêu quán, sản phẩm, khách hàng, bạn sẽ bán được nhiều hơn. Khách hàng luôn muốn mua đồ từ những người vui vẻ.

9. Lập sẵn kế hoạch rút lui

Bạn cũng nên lập sẵn kế hoạch rút lui ngay khi lên kế hoạch mở cửa. Vì có thể, sau vài ba năm, bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi vì phải làm việc vất vả. Hãy tìm những nhân viên giỏi nhất, lên kế hoạch tài chính cho trường hợp tốt nhất và xấu nhất, đồng thời giao dần công việc hàng ngày cho nhân viên. Khi có thể dành nhiều thời gian cho gia đình và bạn bè, bạn có thể coi mình là một doanh nhân thành đạt.

Kinh doanh Cafe không những là một công việc kinh doanh, mà nó còn là một nghệ thuật, nghệ thuật phục vụ, mang đến cái đẹp, giá trị thuần khiết để phục vụ cho những khách hàng của bạn.

Chúc các bạn thành công!

Kinh nghiệm mở quán cafe

Categories: Kinh doanh,Kinh nghiệm

Tags:

Leave A Reply

Your email address will not be published.