Kinh nghiệm mở cửa hàng áo cưới

Kinh nghiệm mở cửa hàng áo cưới

Tháng cuối năm cũng là lúc mùa cưới diễn ra nhộn nhịp nhất, đến những địa điểm chụp ảnh nổi tiếng ở Hà Nội như Hồ Gươm, Hồ Tây, công viên Bách Thảo,…luôn thấy một vài cặp đôi với váy trắng, vest đen rạng rỡ bên nhau. Vì cưới xin là chuyện cả một đời người nên các cặp đôi thường chi khá mạnh tay cho đám cưới của mình, việc kinh doanh của các cửa hàng áo cưới theo đó rất thuận lợi. Nhưng không nên nhìn vào điều đó mà nghĩ rằng kinh doanh áo cưới dễ dàng, phải có những bí quyết riêng mới cạnh tranh được trong thời buổi này. Sau đây là 10 kinh nghiệm mở cửa hàng áo cưới bạn có thể tham khảo.

1. Có kế hoạch kinh doanh rõ ràng

Đối với bất kỳ lĩnh vực kinh doanh nào, bản kế hoạch chiến lược là một yếu tố không thể thiếu, nó là nền tảng cho mọi hoạt động của cửa hàng. Trước khi bắt đầu kinh doanh bạn cần phải xác định được địa điểm đặt cửa hàng ở đâu, cơ sở hạ tầng gồm những gì, thiết kế ra sao, tiếp thị như thế nào,…Rồi vấn đề về nhân viên, nguồn hàng, kho hàng, cách thức kinh doanh là cho thuê hay đặt may riêng. Rất nhiều thứ cần có kế hoạch cụ thể, bạn không nên qua loa hay nghĩ theo kiểu đến đâu hay đến đó mà phải đầu tư thời gian và chi phí xứng đáng.

Nhưng khi lập kế hoạch bạn cũng không nên quá sa đà vào những thứ không thực tế, mà phải bám sát vào tình hình thị trường, nhu cầu và thị hiếu của khách hàng để có điều chỉnh kịp thời. Một bản kế hoạch kinh doanh phải linh hoạt trong mọi hoàn cảnh mới đem lại hiệu quả tốt nhất.

2. Khảo sát thị trường trước khi mở cửa hàng áo cưới

Áo cưới cũng là một danh mục của thời trang, vì thế sự thay đổi của nó cũng theo từng năm, từng thời kỳ, và với mỗi vùng có tập tục khác nhau thì xu hướng áo cưới cũng khác nhau. Ví dụ như ở một số tỉnh miền Tây, trang phục cô dâu thường là áo dài truyền thống chứ không phải váy trắng như nước ngoài. Thế nên trước khi bắt đầu kinh doanh bạn phải tìm hiểu kĩ lưỡng thị trường, xác định xu hướng để không phạm sai lầm.

Ngoài mẫu mã, khi khảo sát bạn cũng phải chú ý đến giá cả của áo cưới, nếu nơi bạn đặt cửa hàng chủ yếu có những người thu nhập cao thì họ sẽ không thích các loại áo cưới giá rẻ, và ngược lại. Bên cạnh đó, việc hiểu thị trường sẽ giúp bạn tìm được hướng đi đúng đắn, đưa ra các chiến lược để cửa hàng của mình nổi bật hơn đối thủ cạnh tranh.

3. Thiết kế bên trong cửa hàng

Không giống với kinh doanh những mặt hàng khác, cửa hàng áo cưới có thiết kế mang những đặc thù riêng. Nếu bạn định hướng theo thiết kế Âu, Mỹ thì không gian trong cửa hàng phải trang nhã, trang trí bằng gam màu sáng, làm nổi bật màu trắng tinh khôi của váy cưới và đen lịch lãm của vest chú rể. Còn với định hướng truyền thống thì những màu sắc và họa tiết trong cửa hàng phải làm sao phù hợp với phong tục tập quán. Nhưng dù thế nào thì các thiết kế cũng cần thân thiện với khách hàng, khiến họ thoải mái khi bước vào.

4. Chọn địa điểm đặt cửa hàng áo cưới

Địa điểm kinh doanh là yếu tố rất quan trọng, quyết định đến hơn một nửa sự thành công của bạn. Đối với áo cưới, bạn nên đặt cửa hàng ở những nơi đông người, phố sá sầm uất, khu thương mại hoặc phố buôn bán, như vậy mới dễ thu hút khách hàng hơn. Tại các nơi đó giá thuê mặt bằng khá cao, nên bạn cần cân đối tài chính để chi tiêu hợp lý với nguồn vốn sẵn có.

Khách hàng khi đến chọn mua áo cưới thường có nhu cầu mặc thử nên diện tích của cửa hàng phải đảm bảo đủ rộng, ngoài ra phải kê được tủ kính để bày hàng mẫu.

5. Xác định dịch vụ đi kèm

Thông thường các cửa hàng áo cưới luôn cung cấp đa dịch vụ, ngoài bán áo cưới còn nhận chụp ảnh trọn gói, trang điểm cô dâu hoặc tổ chức luôn đám cưới cho khách hàng. Đối với mỗi dịch vụ đi kèm như vậy bạn cần đầu tư những trang thiết bị phù hợp, có nhân viên chuyên phụ trách để mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.

6. Nhập hàng

Nhập hàng cũng là một khâu quan trọng khi bạn mở cửa hàng áo cưới, bạn phải quyết định được nguồn hàng, loại hàng và giá cả ra sao, như vậy mới đưa ra chiến lược giá chuẩn xác nhất.

Nếu bạn có ý định bán các loại váy cưới cao cấp, muốn nhập số lượng lớn từ các nhãn hiệu nổi tiếng thường rất khó, vì họ không muốn sản phẩm của mình bị bán tràn lan như hàng chợ. Thế nên để thuyết phục được họ, bạn phải cho họ thấy sự đặc biệt của cửa hàng mình, thể hiện đúng đẳng cấp mà họ mong muốn.

Ngoài ra bạn có thể thuê riêng các nhà thiết kế, hoặc đặt may tại các nhà sản xuất. Tham khảo bộ sưu tập hoặc đến những show trình diễn áo cưới cũng là cách giúp bạn tìm được các mẫu mới. Đối với mỗi lần nhập hàng, bạn chỉ nên nhập vừa đủ treo trong cửa hàng, không nên nhập thừa để tồn trữ trong kho.

Bên cạnh đó, bạn có thể lưu tâm đến những phụ kiện đi kèm như đồ trang sức, hoa tươi, giày,…Chính điều tưởng như nhỏ nhặt này sẽ tạo nên sự khác biệt cho cửa hàng của bạn.

7. Cách trưng bày mẫu áo cưới

Việc làm này cũng là một yếu tố giúp khách hàng thuận tiện hơn trong quá trình chọn lựa, để lại ấn tượng tốt trong tâm trí họ. Đối với những mẫu áo cưới có cùng phong cách, kiểu dáng, bạn nên bày chung trong một khu vực. Đặc biệt với những mẫu của các thương hiệu nổi tiếng bạn cần tách riêng chúng ra, đặt ở những nơi khác nhau trong cửa hàng.

8. Chọn nhân viên chuyên nghiệp cho cửa hàng áo cưới

Kinh doanh áo cưới liên quan đến thời trang, nên bạn cần tuyển những nhân viên có kiến thức chuyên môn, biết về các loại vải, có mắt thẩm mỹ để tư vấn mẫu áo phù hợp với vóc dáng từng người. Khách hàng thường muốn bản thân đẹp nhất trong ngày cưới, nên họ cần một người hiểu biết giúp họ, và các nhân viên của bạn chính là những người như thế. Vậy nên việc tuyển chọn nhân viên phải thật cẩn thận, kỹ lưỡng.

Ngoài ra, trong cửa hàng áo cưới nên có các nhân viên trang điểm, làm tóc, dành cho những dịch vụ phụ mà bạn cung cấp.

9. Khai trương cửa hàng ấn tượng

Giữa hàng trăm đối thủ cạnh tranh, cửa hàng của bạn muốn thu hút được khách hàng phải tạo ấn tượng mạnh mẽ ngay ngày đầu ra mắt. Bạn có thể xây dựng chương trình ưu đãi như mua áo cưới miễn phí trang điểm hoặc miễn phí một bộ ảnh chuyên nghiệp. Còn nếu muốn đặc biệt hơn, bạn hãy tổ chức một show thời trang áo cưới mini, đây là vừa là dịp quảng cáo vừa giúp bạn thể hiện đẳng cấp của cửa hàng mình.

10. Có kế hoạch điều hành và duy trì cửa hàng

Việc kinh doanh của bạn quan trọng không phải những bước chuẩn bị mà là quãng thời gian bạn duy trì và phát triển cửa hàng. Để làm được điều này bạn cần có những bí quyết riêng, có phương thức hoạt động hiệu quả. Dưới đây là một số lưu ý nhỏ mà các bạn có thể tham khảo:

Chăm sóc khách hàng chu đáo: khi tư vấn cho khách hàng, nhân viên của bạn phải luôn mỉm cười, tận tình giúp họ lựa chọn những mẫu áo cưới phù hợp nhất. Các dịch vụ đi kèm như trang điểm, làm tóc, chụp ảnh cũng phải thực hiện chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, bạn nên cho khách hàng hưởng những ưu đãi đặc biệt, để họ cảm thấy mình luôn được coi như thượng đế khi bước vào cửa hàng bạn.

Tư vấn thông tin phong phú: Trong quá trình khách hàng lựa chọn áo cưới, bạn có thể đưa ra những ý kiến cá nhân về việc chọn chuyên gia trang điểm, chọn nơi có phong cảnh đẹp để chụp ảnh, chọn khách sạn tổ chức lễ cưới,….Cho khách hàng thấy đến với cửa hàng của bạn sẽ có tất cả những thứ họ cần.

Mở rộng tiếp thị: Ngoài các kênh tiếp thị truyền thống như tờ rơi, báo chí,…bạn nên thực hiện Marketing Online, quảng cáo trên mạng xã hội, website,…

Xây dựng diễn đàn hoặc chủ đề thảo luận: Đó là cách tốt nhất để bạn tìm được khách hàng mục tiêu và quảng bá cho cửa hàng của mình

Kinh nghiệm mở cửa hàng áo cưới

Categories: Kinh doanh,Kinh nghiệm

Tags:

Leave A Reply

Your email address will not be published.