Kinh nghiệm mở quán kem tươi
Kem tươi với nhiều hương vị khác nhau là nhu cầu không thể thiếu của giới trẻ hiện nay, có thể nói- quán kem là một hình thức kinh doanh rất thiết thực của ngành dịch vụ giải khát. Nhiều người nhận định rằng, được ngồi cùng bạn bè thưởng thức những ly kem hay hàn thuyên bên chiếc lẩu kem với nhiều hương vị hấp dẫn và hình thức bắt mắt, giúp họ giải tỏa stress.
Mặc dù hiện nay có rất nhiều quán kem, nhưng vẫn chưa đáp ứng được hết nhu cầu của khách hàng, đặc biệt trong các mùa nắng nóng. Với một cửa hàng kem tươi ngon, giá cả phải chăng, phục vụ lịch sự ân cần, luôn quan tâm đến nhu cầu thư giãn của khách hàng, sẽ được rất nhiều khách hàng ghé đến.
ĐIỀU KIỆN KHỞI NGHIỆP
Vốn: vốn đầu tư ban đầu từ 50 triệu trở lên, dùng cho:
Đặt cọc thuê mặt bằng;
Sửa chữa, trang trí quán;
Trang bị bàn ghế, tủ kệ;
Các thiết bị, công cụ, dụng cụ làm kem, tủ kem, ly và dụng cụ các loại…;
Vốn dự phòng cho ít nhất 3 tháng đầu kinh doanh
Con người
Tuyển người: Với quán có quy mô nhỏ, chỉ cần tuyển một giám sát, một nhân viên pha chế, một thu ngân và khoảng 2 nhân viên phục vụ, sau này có thể tuyển thêm nhân viên tùy theo sự phát triển của quán.
Bạn là người khởi nghiệp phải nghiên cứu kỹ về các loại kem và cách làm kem, cách bảo quản kem trước khi bắt tay vào kinh doanh.
Pháp lý: sau khi đã có được mặt bằng, bạn cần đến phường, xã nơi bạn định mở quán làm giấy phép kinh doanh. Quán kem chỉ đóng thuế khoán dưới hình thức Hộ kinh doanh cá thể.
Công tác chuẩn bị
Cần tìm hiểu và liên hệ trước với những nhà cung cấp dụng cụ và nguyên vật liệu: máy làm kem, tủ kem, các loại hương liệu làm kem, mứt, trái cây… Học hỏi kinh nghiệm từ những người đã từng kinh doanh hình thức này từ những mối quen biết của bạn hoặc bạn có thể chủ động đến tìm hiểu các mô hình kinh doanh tốt, đây là một điều rất quan trọng giúp bạn có thể tránh những sai lầm trong quá trình khởi nghiệp.
Nghiên cứu kỹ về địa điểm kinh doanh. Nếu có thể lựa chọn địa điểm nằm gần trường học, siêu thị, trung tâm thương mại, công ty… sẽ là lợi thế.
Thời điểm khởi nghiệp: nên dự tính khởi nghiệp vào những tháng hè, khí hậu nắng nóng thì việc kinh doanh của bạn có nhiều thuận lợi hơn.
Lập menu: có rất nhiều loại kem mang các hương vị khác nhau như kem dâu, sôcôla, cà phê, cacao, trà xanh, táo,… nên có đầy đủ các loại kem phổ biến và đưa ra một số loại kem có hương vị khác biệt, tạo nét đặc trưng riêng cho quán
Lập bản kê chi tiết những vật dụng, công cụ cần mua và cả phương án thay thế.
YÊU CẦU CHUYÊN MÔN
Lập kế hoạch kinh doanh:
Nghiên cứu thị trường và đối thủ cạnh tranh tại khu vực mình sắp kinh doanh. Từ đó, lựa chọn khách hàng mục tiêu để lên kế hoạch kinh doanh cụ thể.
Nên tập trung kinh doanh chỉ có các loại kem.
Lập kế hoạch marketing (băng rôn, tờ rơi, quảng cáo), kế hoạch tuyển dụng nhân viên và phương án quản lý kinh doanh chi tiết (quản lý nguyên vật liệu đầu vào, quản lý thu ngân, điều hành nhân viên) phương án vận hành bộ máy kinh doanh cụ thể từ giữ xe, phục vụ, thu ngân…
Lập kế hoạch doanh thu, chi phí, lợi nhuận cho từng tháng, dự trù kinh doanh lỗ trong 3 tháng đầu tiên.
Kiến thức, kỹ năng chuyên môn
Kiến thức về pha chế: cách thức làm và pha chế kem khá đơn giản, bạn nên theo học lớp làm kem. Nếu bạn có thể tự pha chế và làm kem, sẽ tạo ra những loại kem ngon và đặc sắc hơn
Kỹ năng về chăm sóc khách hàng, bán hàng, quản lý nhân sự, điều hành một cửa hàng kinh doanh.
Kinh nghiệm
Kinh nghiệm về lĩnh vực thực phẩm, giải khát, quản lý nhà hàng, quán ăn… sẽ rất quan trọng và giúp ích nhiều cho bạn trong quá trình khởi nghiệp