Kinh nghiệm mở quán trà sữa trân châu
Du nhập vào Việt Nam từ cuối năm 2002 nhưng phải gần 4 năm sau đó thức uống ngọt ngọt vị trái cây, ngầy ngậy vị sữa và mùi thơm nhàn nhạt cùng vị chát đặc trưng của lá trá mới thực sự trở thành cơn sốt sau khi được mang về từ Đài Loan. Thế hệ 8X, 9X đời đầu chắc vẫn còn nhớ khoảng thời gian đó hễ nhắc tới đi ăn uống là nhắc tới quán trà sữa trân châu. Nhưng vào nửa cuối năm 2009, cơn sốt này bắt đầu hạ nhiệt bởi hàng loạt tin đồn trà sữa làm từ thành phần không rõ nguồn gốc, trân châu từ nhựa polymer,…gây hoang mang cho người dùng và lao đao cho những chủ cửa hàng thời đó. Thời gian gần đây trà sữa Đài Loan đang trở lại với thương hiệu “sạch”, mặc dù không giữ được vị thế ngai vàng trong quá khứ nhưng vẫn đủ sức nằm trong top món đồ uống được giới trẻ ưa thích. Nếu đang có ý định kinh doanh mặt hàng này thì hãy tham khảo bài viết chia sẻ kinh nghiệm mở cửa hàng trà sữa trân châu của chúng tôi dưới đây.
1. Vốn bao nhiêu là đủ?
Câu trả lời dĩ nhiên là càng nhiều càng tốt, có điều kiện thì bạn mở quán trà sữa trân châu với quy mô lớn, ít hơn thì mở quán nhỏ, nhưng trung bình khoảng 100 triệu đồng cũng có thể có một quán tương đối rồi. Với số vốn này bạn phải đầu tư cho một số khoản chi phí nhất định sau:
Phí thuê mặt bằng
Phí trang trí cửa hàng
trang sức bạc
Phí mua thiết bị, máy móc: máy lạnh, tủ bảo quản, máy đong, máy dán nắp,…
Phí mua nguyên vật liệu: bột trà, sữa, trân châu, siro các hương vị, hộp, ống hút,…
Phí thuê nhân viên
Phí quảng cáo
Một lời khuyên là ngoài bán trà sữa trân châu bạn có thể kết hợp bán một số đồ ăn vặt như nem chua rán, khoai tây chiên, sữa tươi chiên, xúc xích,….Đừng lo thêm đồ thì thêm vốn, với 100 triệu đồng bạn vẫn có thể kinh doanh đa dạng mặt hàng được. Ngoài những chi phí chính bạn nên dành riêng một khoản gọi là hao phí rủi ro để đề phòng các trường hợp ngoài ý muốn, vì trong kinh doanh vốn không biết được điều gì sẽ xảy ra mà.
2. Luôn đảm bảo “sạch”
Như đã chia sẻ ở trên, trà sữa từng một thời khốn đốn vì những tin đồn thành phần không rõ nguồn gốc, trân châu làm bằng nhựa polymer,…thế nên để có thể kinh doanh thuận lợi bạn cần giữ vững chỉ tiêu “sạch”. Sạch trong nguyên liệu, sạch trong quy trình pha chế.
Đầu tiên là việc chọn mua sữa, tránh xa sữa không rõ nguồn gốc, sữa chứa Melamine hay bột béo (tinh sữa béo). Bạn có thể chọn nhiều loại sữa, béo vừa hoặc béo đậm của những nhãn hiệu uy tín trong nước, Thái Lan, Úc,…đừng vì ham giá rẻ mà pha thêm những loại sữa kém chất lượng. Tiếp đến là hạt trân châu, dĩ nhiên là không phải loại mua cả kí ngoài chợ làm bắng nguyên liệu rẻ tiền, thậm chí là polymer cũng không chừng. Ngoài trân châu bạn có thể nhập thêm thạch trái cây để phục vụ yêu cầu của khách. Còn về bột trà, nên chọn loại có hương vị đặc trưng, bạn có thể chọn đa dạng nhiều loại khác nhau như hồng trà, trà Ô Long, trà hoa nhài,….Cuối cùng là siro, để làm đa dạng thực đơn bạn nên chọn nhiều vị siro khác nhau, đừng nhập hàng chứa nhiều phẩm màu và na ná nhau, nên mua hàng của những công ty uy tín để đảm bảo chất lượng của ly trà sữa.
3. Thuê mặt bằng ở đâu?
Đối với trà sữa dù không kén khách nhưng đối tượng nhắm đến chủ yếu vẫn là giới trẻ, học sinh, sinh viên, vì thế bạn nên chọn địa điểm đặt cửa hàng ở gần trường học, những khu vui chơi hay tập trung quà vặt, ăn uống. Trước khi ra quyết định cuối cùng bạn nên có một buổi khảo sát thực tế, xem điều kiện giao thông ở những khu vực lựa chọn có thuận tiện hay không, có bao nhiêu quán trà sữa mở ở đó rồi,….
Sau khi đã chọn được mặt bằng việc tiếp theo là trang trí cửa hàng, vì đối tượng là giới trẻ nên bạn cần thiết kế nội thất với phong cách tươi tắn, dùng gam màu sáng, có sự pha trộn độc đáo nhưng vẫn đảm bảo hài hòa. Một gợi ý nhỏ là hãy thuê người vẽ tranh tường, nhưng bức tranh ngộ nghĩnh dễ thương thường thu hút khách hàng hơn.
4. Có cần quảng cáo không?
Trong thời buổi thị trường như thế này kinh doanh mà không quảng cáo khác gì diễn kịch câm. Hiện nay có rất nhiều cách tiếp thị khác nhau, bạn có thể phát tờ rơi, sử dụng biển hiệu, băng rôn để thu hút sự chú ý của khách hàng trong những ngày đầu khai trương. Ngoài ra quảng bá online cũng là một cách hữu hiệu, hãy lập một Fanpage trên Facebook, tận dụng mạng lưới quan hệ của mạng xã hội này để truyền thông cho cửa hàng của mình.
Trên đây là một số kinh nghiệm mở cửa hàng trà sữa trân châu mà chúng tôi muốn chia sẻ cùng các bạn, hi vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích cho bạn trong quá trình kinh doanh