1. Khi lựa chọn đề tài khóa luận, nếu có 2 đề tài, một đề tài rất em rất say mê nhưng thiếu tài liệu, và một đề tài thứ hai em ít say mê hơn nhưng nhiều tài liệu hơn, thì em nên lựa chọn đề tài nào?
Em nên lựa chọn đề tài em say mê, vì cùng với sự say mê, em sẽ vượt qua được những khó khăn trong việc viết khóa luận (trong đó có khó khăn trong việc tìm và tập hợp tài liệu). Vào thời đại công nghệ thông tin hiện nay, các bạn sinh viên thường gặp khó khăn vì có quá nhiều tài liệu (và bị “ngập” trong đống tài liệu của mình) chứ không hẳn vì thiếu tài liệu (chỉ có là các bạn chưa thực sự lao vào tìm kiếm mà thôi!)
Tất nhiên, không nên lựa chọn một đề tài mà em rất say mê nhưng việc lấy số liệu là không thể thực hiện được! (ví dụ em làm về một công ty nào đó nhưng không thể tiếp cận được số liệu của công ty đó).
Em cũng nên suy nghĩ về việc lựa chọn đề tài gắn với định hướng học tập, nghiên cứu (ví dụ học tiếp cao học) hoặc định hướng nghề nghiệp của em sau này.
2. Sinh viên ngành Quản trị Kinh doanh có nên lựa chọn những đề tài mang tính vĩ mô, không trực tiếp liên quan đến doanh nghiệp?
Theo quy định của Khoa Quản trị Kinh doanh, SV ngành QTKD có thể lựa chọn những đề tài mang tính vĩ mô, không liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp. Đặc biệt, trong một số chuyên ngành như chuyên ngành Luật Kinh doanh quốc tế, các đề tài mang tính vĩ mô vẫn thường được sinh viên lựa chọn (như nghiên cứu và hoàn thiện pháp luật về một lĩnh vực nào đó…)
Tuy vậy, Khoa QTKD “khuyến khích” các bạn lựa chọn những đề tài mang tính vi mô, liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp (có thể là đến một nhóm doanh nghiệp hoặc một doanh nghiệp cụ thể) nhằm áp dụng được những kiến thức mà các bạn đã được trang bị trong ngành học của mình. Đó cũng là tính chất đặc thù của ngành đào tạo “Quản trị kinh doanh” so với các ngành đào tạo khác của trường ĐH Ngoại Thương.
3. Viết khóa luận tốt nghiệp có nhất thiết phải đi thực tập?
Theo quy định của Nhà trường, SV viết khóa luận tốt nghiệp không bắt buộc phải đi thực tập, nhưng có thể đăng ký đi thực tập nếu có mong muốn.
Nếu bạn SV nào lựa chọn đề tài khóa luận là nghiên cứu một vấn đề trong một doanh nghiệp cụ thể (xem thêm câu 2), thì các bạn nên đăng ký đi thực tập tại doanh nghiệp đó. Đi thực tập, một mặt, giúp các bạn hiểu rõ môi trường của công ty, các vấn đề trong công ty; mặt khác, giúp các bạn tiếp cận các số liệu, các nguồn thông tin hay thực hiện các nghiên cứu khảo sát, phỏng vấn nếu cần thiết, từ đó có thể viết khóa luận tốt hơn. Cuối cùng, thực tập trong doanh nghiệp cũng là cơ hội để các bạn bước đầu làm quen với môi trường làm việc và làm… đẹp hơn CV của mình khi đi xin việc sau này (Một số bạn còn định hướng làm khóa luận và đi thực tập tại Công ty đang có nhu cầu tuyển dụng để xin vào làm tại Công ty đó sau khi hoàn thành khóa luận tốt nghiệp).
4. Làm thế nào để xác định phạm vi nghiên cứu của một đề tài? Nếu một đề tài quá rộng thì làm cách nào để thu hẹp phạm vi nghiên cứu?
Việc xác định phạm vi nghiên cứu phải phụ thuộc vào từng đề tài, từng lĩnh vực, rất khó có thể có một cách thức chung để xác định phạm vi nghiên cứu.
Thông thường, ban đầu, nên xác định phạm vi nghiên cứu rộng. Sau đó, nếu thấy quá rộng sẽ thu hẹp dần cho đến khi có được phạm vi nghiên cứu phù hợp (không quá rộng, không quá hẹp).
Ví dụ:
Tên đề tài ban đầu là: Kinh nghiệm quản trị công ty ở một số nước trên thế giới và bài học cho doanh nghiệp Việt Nam
– Có thể thu hẹp dần phạm vi nghiên cứu theo yếu tố lãnh thổ: chỉ nghiên cứu kinh nghiệm quản trị công ty ở một khu vực nào đó (các nước Đông Nam Á, các quốc gia Châu Âu) hoặc ở một quốc gia nào đó (Trung Quốc, Nhật Bản)
– Có thể thu hạp phạm vi nghiên cứu theo lĩnh vực kinh doanh: chỉ nghiên cứu tại các công ty kinh doanh trong một lĩnh vực cụ thể nào đó (và bài học kinh nghiệm cũng chỉ áp dụng cho các DNVN tương ứng)
– Có thể thu hẹp phạm vi nghiên cứu theo đối tượng nghiên cứu: chỉ nghiên cứu các công ty kinh doanh xuất nhập khẩu, hoặc chỉ nghiên cứu các công ty cổ phần (và bài học kinh nghiệm cũng chỉ áp dụng cho các DNVN tương ứng). Hoặc, thậm chí, có thể lựa chọn nghiên cứu kinh nghiệm quản trị tại một công ty nước ngoài cụ thể có tính điển hình, để làm bài học kinh nghiệm cho các doanh nghiệp tương tự của VN (hoặc một doanh nghiệp cụ thể, tương tự của VN).
Như vậy, một cách khái quát, phạm vi n/c của một đề tài có thể được thể hiện qua 3 yếu tố:
– Phạm vi về mặt không gian
– Phạm vi về thời gian
– Phạm vi về đối tượng n/c
Nếu muốn thu hẹp phạm vi n/c thì có thể thu hẹp các yếu tố nói trên.
Chú ý: Trong phần phạm vi n/c (tại Lời nói đầu) cần nêu rõ phạm vi n/c cụ thể của khóa luận. Đây là một nội dung rất quan trọng, không thể bỏ qua (xem thêm câu số 07). Khi viết, cần bám sát phạm vi n/c để không bị “lạc đề”.
5. Em được phân công một giáo viên hướng dẫn không giảng dạy đúng chuyên môn liên quan đến đề tài em đã lựa chọn và đang rất lo lắng. Em cần phải làm gì trong trường hợp này?
Em không nên quá lo lắng. Vai trò lớn nhất của GVHD là giúp đỡ, hỗ trợ SV về phương pháp n/c, cách tiếp cận, phương pháp giải quyết một vấn đề n/c. Vì thế, dù GVHD của em không giảng dạy chuyên môn trực tiếp liên quan đến đề tài của em, thì Thầy (Cô) vẫn hoàn toàn có thể hướng dẫn em làm tốt khóa luận tốt nghiệp.
Nếu trong quá trình n/c, em có những câu hỏi liên quan trực tiếp đến chuyên môn mà GVHD không trả lời được thì em có thể:
– Nhờ GVHD giới thiệu Thầy (Cô) em có thể gặp để nhờ giúp đỡ; hoặc
– Trực tiếp tìm và gặp các Thầy (Cô) đúng chuyên môn để nhờ tư vấn, giúp đỡ.
Các bạn nên nhớ rằng, khi thực hiện một đề tài n/c, thì phương pháp n/c là vấn đề quan trọng nhất!
6. Bố cục của khóa luận theo truyền thống thường gồm 3 chương: lý thuyết chung, thực trạng và giải pháp; vậy em có thể có bố cục khác phù hợp với đề tài của mình được không?
Hoàn toàn được. Trong hướng dẫn của Khoa về việc viết khóa luận đã quy định KLTN có kết cấu ít nhất là 3 chương, nhiều nhất là 5 chương. Dường như từ trước đến giờ, các khóa luận tốt nghiệp đều được lập theo kết cấu “3 chương” truyền thống, nhưng điều đó không cản trở em “sáng tạo” một đề cương với 4 chương, 5 chương nếu theo em đó là kết cấu hợp lý nhất để thể hiện nội dung nghiên cứu của đề tài mình đã chọn, miễn là đề cương đó đảm bảo tính logích, tính khoa học.
7. Em thấy một số khóa luận của các năm trước đều chỉ có 01 trang lời nói đầu và không chia ra thành các mục như phạm vi nghiên cứu, mục đích nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu… Liệu có bắt buộc phải có các mục đó trong Lời nói đầu không?
Không có quy định nào cụ thể về các mục của Lời nói đầu. Tuy nhiên, kinh nghiệm n/c của các Thầy (Cô) cho thấy rằng, trước khi bắt đầu bất kỳ một n/c nào, cần xác định đầy đủ các yếu tố sau đây:
– Tính cấp thiết của đề tài
– Mục đích nghiên cứu
– Đối tượng, phạm vi nghiên cứu
– Phương pháp nghiên cứu
– Kết cấu của khóa luận
Đây sẽ là những yếu tố định hướng toàn bộ quá trình viết khóa luận (về vấn đề đối tượng và phạm vi n/c, xem câu hỏi số 04). Chính vì tầm quan trọng đó mà xu hướng hiện nay là các Thầy (Cô) giáo hướng dẫn thường yêu cầu SV xác định rõ các yếu tố này khi viết khóa luận và ghi rõ chúng trong Lời nói đầu.
Vì thế, dù không bắt buộc nhưng theo các Thầy (Cô), em nên viết trong Lời nói đầu đầy đủ các nội dung này.
8. Trong phần Tổng quan về lý thuyết em sẽ viết gì khi đề tài đó xuất phát từ thực tế? Thậm chí chưa từng có người nghiên cứu?
Không có đề tài n/c nào không có tổng quan về lý thuyết. Đề tài của em xuất phát từ thực tế có nghĩa là em xuất phát từ một sự kiện, hiện tượng thực tế để luận về sự cần thiết của đề tài, còn sự kiện ấy, hiện tượng ấy luôn phải được phân tích dựa trên một cơ sở lý luận nhất định.
Ví dụ: em muốn nghiên cứu về một hoạt động thực tế là hoạt động huy động vốn của một ngân hàng. Muốn n/c vấn đề thực tiễn này, em phải có nền tảng lý thuyết về ngân hàng, về vốn, về huy động vốn, các phương thức huy động vốn mà ngân hàng có thể sử dụng, các chỉ tiêu để đánh giá hiệu quả huy động vốn của doanh nghiệp. Tất cả những vấn đề đó tạo thành tổng quan lý thuyết mà em phải nghiên cứu.
Chưa từng có ai nghiên cứu đề tài của em? Chắc chắn là có, chỉ có điều là em chưa tiếp cận được mà thôi. Trong trường hợp này, đề tài đó sẽ không khả thi với em, em cần chọn đề tài khác.
9. Tài liệu nào được xem là “có độ tin cậy”? Tài liệu bằng tiếng nước ngoài của một viện hay một trung tâm nào đó, ví dụ Trung tâm nghiên cứu người tiêu dùng của Mỹ có độ tin cậy không?
Các tài liệu sau đây được coi là có độ tin cậy:
– Giáo trình, sách tham khảo, sách chuyên khảo
– Bài viết trong các Tạp chí chuyên ngành (dù là tạp chí viết hay tạp chí điện tử)
– Các thông tin được lấy từ các Báo cáo chính thức hay các trang web chính thức của các cơ quan, tổ chức (ví dụ báo cáo của WTO, số liệu thống kê được đăng trên website của Tổng cục thống kê, các số liệu được đăng trên website chính thức của các Công ty niêm yết)
– Các tài liệu Hội thảo do các cơ quan, tổ chức có uy tín thực hiện (Bộ Công Thương, VCCI, Viện n/c qlý kinh tế TW…)
Chú ý: các thông tin nói trên chỉ được đánh giá là có độ tin cậy nếu được trích dẫn nguồn đầy đủ theo đúng quy định (xem kỹ quy định về trích dẫn nguồn trong hướng dẫn của các Khoa). Nếu trích dẫn không đầy đủ thì thông tin, dù được lấy từ các nguồn trên, cũng bị coi là không có đủ độ tin cậy.
Như vậy, tài liệu bằng tiếng Anh của Trung tâm nghiên cứu người tiêu dùng của Mỹ có thể được xem là tài liệu có độ tin cậy nếu tài liệu được lấy từ nguồn tin cậy (website chính thức của Trung tâm này) và được trích dẫn nguồn đầy đủ.
Các thông tin từ các nguồn sau đây cần được kiểm chứng trước khi đưa vào khóa luận:
– Thông tin từ các báo (dù là báo viết hay báo điện tử)
– Thông tin từ các thư viện mở như wikipedia
– Thông tin từ các website không chính thức, các diễn đàn, câu lạc bộ…
Cách thức kiểm chứng là tìm đến các nguồn tài liệu có độ tin cậy (như đã liệt kê ở trên) hay tìm đến cơ quan gốc đưa ra thông tin.
>> Xem thêm : Tư vấn viết thuê luận văn , khóa luận
10. Thông tin sơ cấp là thông tin do mình tự thu thập, nhưng nếu thông tin sơ cấp không đủ tin cậy thì sao? Và làm sao có đủ thời gian để thu thập thông tin sơ cấp?
Hầu hết các khóa luận hiện nay đều sử dụng thông tin thứ cấp. Trong thời gian gầy đây, một số bạn SV đã có tiến hành tự mình thu thập thông tin sơ cấp bằng cách tiến hành điều tra khảo sát doanh nghiệp, người tiêu dùng hoặc phỏng vấn chuyên gia…, tuy nhiên hiệu quả của việc làm này thực sự chưa cao dẫn đến việc thông tin thiếu độ tin cậy. Lý do vì các bạn thiếu phương pháp, kỹ năng và kinh nghiệm trong việc tiến hành thu thập các thông tin bằng các cách thức này.
Việc thực hiện thu thập thông tin bằng các cách thức này tốn rất nhiều công sức và thời gian, vì vậy các bạn cần cân nhắc có nên thực hiện thu thập thông tin sơ cấp không (có thật sự cần thiết cho đề tài không? lợi ích của việc thu thập thông tin này như thế nào?có đủ thời gian để thực hiện không?).
Nếu quyết định tiến hành điều tra khảo sát thì phải đặc biệt chú ý những điểm sau:
– Xác định rõ mục đích, nhiệm vụ điều tra,
– Xác định đối tượng điều tra, mẫu thực hiện điều tra,
– Xác định phương pháp điều tra, thiết kế phiếu điều tra.
– Phương pháp xử lý số liệu điều tra.
Tất cả những vấn đề trên các bạn phải xác định trước khi thực hiện điều tra, và các bạn sẽ không thể tự mình xác định được các vấn đề nói trên nếu không có sự hỗ trợ và tư vấn của GVHD. Các bạn cần bàn bạc vấn đề này với GVHD để có thể thu thập thông tin sơ cấp một cách hiệu quả nhất và có được những thông tin có độ tin cậy, có thể sử dụng để phân tích trong khóa luận.
Chú ý:
– Tránh lấy điều tra của một tổ chức khác và nói rằng mình tự làm, hoặc không điều tra mà nói là điều tra, hoặc điều tra trên một số lượng mẫu ít mà lại nói là nhiều: gian dối!
– Cần đưa vào phụ lục phiếu điều tra khảo sát hoặc phiếu phỏng vấn, và cả một số phiếu mà đối tượng điều tra đã trả lời (làm minh chứng).
– Cần đưa nội dung kết quả điều tra vào trong nội dung phân tích của khóa luận (có như vậy mới nhấn mạnh được lợi ích của việc điều tra).
11. Nghiên cứu định lượng và định tính thì phương pháp nào được đánh giá cao hơn khi làm khóa luận?
Câu trả lời tùy thuộc đề tài. Có những đề tài mang tính lý thuyết thì chỉ cần nghiên cứu định tính là đủ để làm nên một khóa luận tốt.
Tuy vậy, đối với một đề tài có thể áp dụng phương pháp n/c định tính và định lượng, thì n/c định lượng vẫn được khuyến khích hơn, nhưng với điều kiện là nghiên cứu phải được tiến hành đúng phương pháp và có độ tin cậy (xem câu hỏi 10).
12. Khi tiến hành điều tra khảo sát, có những phương pháp nào để xử lý số liệu điều tra?
Các bạn có thể áp dụng nhiều phương pháp khác nhau đã học trong thống kê, như:
– Phương pháp đếm, so sánh, theo time-series, hoặc cross section
– Tính toán các đại lượng đặc trưng của mẫu nghiên cứu: trung bình, số tối đa, tối thiểu, độ lệch chuẩn…
– Dùng đồ thị, bảng, biểu… để biểu diễn, so sánh các mối quan hệ tương quan…
– Phương pháp sử dụng các hàm hồi quy (một biến giải thích, hoặc đa biến giải thích)
– Phần mềm thống kê có thể sử dụng: Excel, SPSS, Eviews…
13. Nếu làm đề tài mang tính thực tiễn, cần có số liệu của các công ty thì cần tìm tài liệu như thế nào, nếu không thể tìm được số liệu thì sao?
Có nhiều cách thức tìm tài liệu của một công ty:
– Xin đến Công ty thực tập (xem câu hỏi số 03)
– Nhờ đến các mối quan hệ của cá nhân với những người có thể tiếp cận được nguồn tài liệu của Công ty (có thể vận dụng mối quan hệ của bố mẹ, anh chị em, cô dì chú bác, bạn bè…). Ví dụ bạn muốn tiếp cận các thông tin về nhân sự của một Công ty thì bạn phải xin thực tập ở Phòng Nhân sự của Công ty hoặc phải quen biết Trưởng phòng nhân sự của Công ty đó.
Nếu không thể tìm được số liệu thì bạn nên đổi đề tài khác hoặc đổi Công ty khác mà mình có thể tiếp cận được thông tin, tài liệu.
14. Khi bảo vệ khóa luận, có được sử dụng máy chiếu và slides? Trong trường hợp em không dùng máy chiếu và slides thì có thể sử dụng các công cụ hỗ trợ hình ảnh khác, như tranh, biểu đồ, bảng biểu… không?
Theo quy định thì chỉ các bạn SV CLC mới được sử dụng máy chiếu và slides khi bảo vệ khóa luận. Các bạn SV khác hoàn toàn có thể sử dụng các công cụ hỗ trợ hình ảnh khác để minh họa cho phần trình bày của mình thêm sinh động và dễ hiểu, đặc biệt nếu bài trình bày của các bạn có nhiều số liệu, mô hình.
>>> Xem thêm : Vài kinh nghiệm về phương pháp trình bày báo cáo khóa luận tốt nghiệp trước hội đồng
15. Một bài trình bày thường kéo dài trong vòng bao nhiêu phút là hợp lý? Có nên ưu tiên thời lượng trình bày ở một nội dung nào đó mà mình tâm đắc, nếu được thì giới hạn thời gian thường là bao nhiêu?
Trên lý thuyết, mỗi bạn SV có tối đa 15 phút để trình bày, nhưng vì một Hội đồng thường có nhiều SV nên các bạn chú ý không nên trình bày quá dài, sẽ gây mệt mỏi cho Hội đồng. Thời gian của mỗi bài trình bày sẽ do Chủ tịch Hội đồng quy định. Thường thì bài trình bày 10 phút là hợp lý. Rõ ràng bạn cần tập trung vào những vấn đề mà bạn tâm đắc, có như vậy các bạn mới có thể trình bày một cách hùng hồn và hấp dẫn được! (xem thêm câu hỏi 17)
16. Đối với những bạn làm về đề tài luật, thường dẫn chiếu án lệ, thì trong bài trình bày của mình có nên đưa các án lệ vào không, vì án lệ thường có nhiều tình tiết phức tạp?
Nên chứ, vì trình bày án lệ có vẻ sẽ hấp dẫn hơn so với trình bày một điều luật!!! Tuy nhiên, không nên chọn các tranh chấp quá phức tạp. Hơn nữa, cần biết tóm tắt án lệ đó, chỉ tập trung vào vấn đề “nóng” nhất, quan trọng nhất của tranh chấp mà thôi. Có thể tóm tắt thông qua sơ đồ, mô hình cho dễ hiểu.
17. Làm thế nào đề khi bảo vệ khóa luận, bài trình bày của mình có thể hấp dẫn Hội đồng?
Để bài trình bày có thể hấp dẫn Hội đồng, cần chú ý những điểm sau:
Về hình thức:
– Ăn mặc đẹp, phù hợp với không khí của một buổi bảo vệ
– Phong thái đĩnh đạc, tự tin, tươi tắn
– Giọng nói to, rõ ràng, vừa đủ nghe
– Phải có ánh mắt đối thoại với Hội đồng (không nên cầm giấy đọc)
Về nội dung:
– Bài trình bày phải ngắn gọn (xem thêm câu hỏi 15), súc tích, có cách dẫn dắt người nghe tốt (ví dụ như có thể bắt đầu bằng một sự kiện, một hiện tượng, một vấn đề rất hấp dẫn, thời sự)
– Có cách thức trình bày sáng tạo, hấp dẫn. Đừng quá dập khuôn theo cách trình bày từng chương, từng phần trong chương à rất nhàm chán
– Tập trung vào những nội dung mà bạn tâm đắc, những điểm mới, những nơi chứa đựng giá trị gia tăng của khóa luận. Cần thể hiện được sự tự tin, niềm say mê và tâm huyết của mình đối với đề tài nghiên cứu.
Nếu các bạn làm được như vậy thì chắc chắn các bạn sẽ có một bài thuyết trình thành công!
18. Khi hội đồng đặt câu hỏi mà sinh viên không trả lời được (vì những lí do như chưa nghiên cứu, sai sót về lí luận của mình trong quá trình làm,…) thì có kĩ năng thủ thuật gì không?
Trước hết, để trả lời câu hỏi tốt, các bạn phải:
– Nắm chắc nội dung của khóa luận
– Chuẩn bị trước một số câu hỏi mà bạn nghĩ rằng Hội đồng có thể đặt ra cho mình (về vấn đề này, có thể nhờ GVHD tư vấn thêm)
– Cập nhật thông tin liên quan đến đề tài từ thời điểm nộp khóa luận cho đến thời điểm bảo vệ. Nếu biết khóa luận có những thiếu sót thì trong thời gian chờ bảo vệ, cần tìm hiểu thêm để bổ sung thiếu sót và tận dụng cơ hội của buổi bảo vệ để ghi thêm điểm.
– Phải thật tự tin vì nếu run thì sẽ không thể trả lời tốt được!
Khi Hội đồng đặt câu hỏi, các bạn cần ghi chép lại cẩn thận. Nếu có thể, các bạn nên trả lời ngay. Nếu run hoặc chưa chắc chắn về câu trả lời, các bạn hãy xin phép Hội đồng có thời gian chuẩn bị.
Nếu câu hỏi của Hội đồng nằm ngoài phạm vi n/c (các bạn vì thế phải nắm rất chắc phạm vi n/c của mình) thì các bạn hoàn toàn có thể trả lời rằng: câu hỏi này nằm ngoài phạm vi n/c của khóa luận, em xin phép sẽ được nghiên cứu thêm trong các công trình n/c của em sau này.
Nếu câu hỏi của Hội đồng liên quan đến một sai sót của khóa luận thì các bạn nên có thái độ tiếp thu, nhận sai sót.
Nếu câu hỏi của Hội đồng liên quan một vấn đề còn có thể gây tranh luận giữa Hội đồng và bản thân bạn thì bạn có thể thẳng thắn nêu quan điểm cá nhân, nhưng cũng đừng quên ghi nhận quan điểm của Hội đồng, vì chưa chắc quan điểm của bạn đã là đúng!
Còn nếu câu hỏi của Hội đồng liên quan trực tiếp đến vấn đề n/c mà bạn không trả lời được thì có nghĩa là… bạn đã chuẩn bị chưa tốt hoặc bạn chưa thực sự hiểu vấn đề n/c.
19. Tiêu chí để Hội đồng chấm khóa luận đánh giá và cho điểm một khóa luận tốt nghiệp?
Theo phiếu đánh giá khóa luận của Khoa QTKD thì một khóa luận được đánh giá trên thang điểm 10, và với các tiêu chí sau đây:
– Tính cấp thiết của đề tài: 1 điểm
– Hình thức của khóa luận: 1 điểm
– Phương pháp nghiên cứu: 1 điểm
– Nội dung của khóa luận: 4 điểm
– Trình bày khóa luận: 1 điểm
– Trả lời khóa luận: 2 điểm
Tuy vậy, khi đánh giá, các Thầy, Cô có thể đánh giá một cách tổng hợp mà không cho điểm cụ thể cho từng tiêu chí nói trên.
20. Tỷ lệ giữa phần viết khóa luận và phần bảo vệ khi cho điểm là bao nhiêu?
Không có một tỷ lệ nào cụ thể cả. Nội dung khóa luận và bảo vệ khóa luận là hai căn cứ để Hội đồng đánh giá khóa luận một cách tổng thể. Thường thì khi các thành viên Hội đồng đọc khóa luận và đánh giá khóa luận ở nhà đã “dự kiến” trước mức điểm cho khóa luận đó. Nếu khóa luận viết có nội dung tốt, nhưng khi bảo vệ, SV lại không thể trả lời câu hỏi của Hội đồng, chứng tỏ SV không nắm được vấn đề, thì số điểm “dự kiến” sẽ bị giảm xuống. Ngược lại, nếu trong khóa luận còn có một số lỗi về hình thức và thiếu sót về nội dung, nhưng khi bảo vệ, SV lại trình bày và trả lời rất tốt, chứng tỏ được kiến thức chắc chắn của mình, thì số điểm “dự kiến” sẽ được tăng lên.
Nguồn: Luận Văn A-Z