Theo cách nói của Phật Giáo đối với việc con người không kiểm soát được hành vi và tinh thần của mình, điều này có quan hệ mật thiết đến nghiệp lực của mỗi người. Quan niệm về nghiệp lực là chỉ nhiều đời quá khứ của chúng ta với mọi kiểu hành vi (bao gồm hành vi của thân thể, hành vi của ngôn ngữ và hành vi của tâm lý) tạo thành 1 năng lực, chúng liên tục tích luỹ và tập trung trong cuộc sống hiện tại của chúng ta.
Nhưng không phải tất cả nghiệp mà chúng ta đã tạo trong đời quá khứ đều thể hiện trong đời này, chúng ta phải biết nghiệp nào mạnh nhất và nghiệp nào tương ứng nhất với hoàn cảnh của chúng ta mới có thể xuất hiện. Tất nhiên, nếu năng lực của nghiệp quá yếu, hoặc không có cơ hội, hoàn cảnh thích hợp để phát triển thì nó sẽ không có tác dụng.
Nhưng có rất nhiều nhà tâm lý học phân tích rằng nghiệp là tiềm thức, họ cho rằng hành vi và cuộc sống của chúng ta bị chi phối trong vô thức, mới có ảnh hưởng tới sự phát triển năng lực và trí tuệ phán đoán của chúng ta. Tiềm thức trong tâm lý học là bản thân mình không thể kiểm soát, cũng không thể tự giác, nên nó phá rối, vốn không biết khi nào sẽ sinh ra ý nghĩ như thế; hơn nữa, hiện tượng vẫn không ngừng xuất hiện. Nó có thể là ảnh hưởng từ những kinh nghiệm, học tập từ khi còn nhỏ cho đến trưởng thành và sinh ra năng lực trong não của chúng ta; cũng có thể là tự mình cung cấp thông tin cho mình mà chẳng phải việc xảy ra bên ngoài hoặc trong than mạng, nhưng tâm niệm của mình thường nói với nó, ám chỉ nó, kết quả là biến thành một loại tiềm thức.
Do vậy, chúng ta có thể nói tiềm thức xuất phát từ nghiệp; bởi vì năng lực của một số nghiệp trong quá khứ tương đối mạnh, cho nên cuộc sống hiện tại chúng ta có thể ghi nhớ một số sự việc rất rõ ràng. Hơn nữa, chúng còn để lại ấn tượng sâu sắc trong ta và từ đó hình thành một số khái niệm, cuối cùng là xuất hiện một số ý tưởng, biến thành ý thức tiềm ẩn. Mặc dù tiềm thức xuất phát từ nghiệp nhưng không giống nghiệp, tiềm thức luôn chuyển động trong cuộc sống chúng ta, chúng luôn luôn tìm cơ hội để xuất hiện; nhưng nghiệp cũng có lúc chuyển động, có lúc không, cũng có nghĩa là chúng có thể xuất hiện hoặc không trong cuộc sống này. Khi chúng ta tìm hiểu về tiềm thức và nghiệp càng nhiều thì cơ hội phát sinh vấn đề sẽ càng ít, do chúng ta đã biết đó là gì.
Điều này giống như người sợ ma, mà nguyên nhân sợ ma là đa số mọi người không biết hình dáng của ma thế nào, ma ở đâu cho nên lúc nào cũng nghi ngờ ma quỷ. Trái lại, nếu họ biết rõ hình dáng của ma như thế nào, biết nó ẩn hiện đâu chắc chắn họ sẽ không sợ nó. Tiềm thức và nghiệp cũng như vậy, nếu như chúng ta hiểu rõ tiềm thức càng nhiều thì càng có lợi cho chúng ta.
Vì thế, các nhà tâm lý, bác sĩ tâm lý thường kết hợp thử nghiệm tiềm thức của mọi người, thậm chí họ còn dùng thuật thôi miên để tìm hiểu, tiềm thức rốt cuộc là nghĩ điều gì? Muốn điều gì? Chuẩn bị muốn làm gì? Sau khi biết được nguyên nhân thì năng lực của tiềm thức từ từ mờ dần, rồi cuối cùng mất tác dụng.
Nghiệp của chúng ta giống như rễ cỏ. Nhổ cỏ phải nhổ tận gốc, nếu chúng ta chỉ cắt cỏ mà không nhổ sạch gốc thì nó có thể mọc lên, chỉ cần nhổ tận gốc thì sẽ diệt được cỏ, vì khi rễ cỏ không được hấp thụ chất dinh dưỡng t đất, nước thì chúng sẽ dần dần héo úa.
Cũng như thế, dù có nghiệp xấu nhưng không nhất định sẽ làm chúng ta bất an, giống như rễ cỏ vẫn còn nhưng chỉ cần không cho chúng cơ hội sinh trưởng, tự nhiên nghiệp lực cũng sẽ tiêu mất. Người bình thường chúng ta gặp việc bất an, tuy chúng ta cũng khẳng định tác dụng của việc điều trị tâm lý nhưng theo Phật pháp là sửa đổi tận nguồn gốc thì mới trừ tận gốc rễ. Cho nên, chúng ta đem Phật pháp để giải quyết tinh thần phiền não sẽ tốt hơn việc phân tích tâm lý hoặc thôi miên.
Nguồn: trích “Buông xả phiền não” – HT: Thích Thánh Nghiêm